Cảnh báo về 3 hình thức lừa đảo trong giao dịch vàng miếng SJC tự do

(PLO)- Nhu cầu vàng miếng SJC của người dân tăng mạnh nhưng lại rất khó để mua, điều này tạo cơ hội cho những chiêu trò lừa đảo phát sinh.

Thời gian gần đây, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn việc bán vàng miếng SJC vào nhóm bốn ngân hàng thương mại cổ phần và công ty SJC, tình trạng mua bán suất mua vàng trên các hội nhóm trực tuyến bắt đầu nở rộ.

Các hội nhóm giao dịch vàng miếng SJC trực tuyến bùng nổ

Trên các trang mạng xã hội, rất dễ dàng tìm thấy hàng chục nhóm giao dịch vàng miếng SJC, mỗi nhóm đến hàng chục ngàn thành viên. Các thành viên công khai rao bán suất mua vàng miếng SJC, bán vàng miếng có sẵn hoặc nhận thu mua vàng các loại.

Những loại vàng được giao dịch phổ biến nhất là vàng miếng SJC, sau đó đến vàng Bảo Tín, vàng PNJ…

Cách đây khoảng 2 tháng, mỗi suất mua vàng miếng SJC trên mạng được rao với giá khoảng 400.000 – 500.000 đồng. Người có suất mua hẹn gặp người có nhu cầu tại ngân hàng, nếu người kia mua được vàng mới giao tiền. Người bán suất khẳng định tỉ lệ thành công là 100%.

Tuy nhiên gần đây, nhu cầu mua vàng đã giảm nên mỗi suất mua vàng miếng chỉ còn khoảng 100 ngàn đồng/suất. Số lượng người mua suất cũng không còn nhiều như trước. Chính vì vậy có hiện tượng nhiều suất mua vàng không có người đến nhận.

Trong vai một người có nhu cầu bán 3 lượng vàng “SJC rồng vàng 9999“, phóng viên đăng bài lên nhóm “Hội giao lưu vàng miếng…”, lập tức rất nhiều người nhắn tin hỏi mua lại với giá cao hơn giá niêm yết mua vào của SJC vài trăm ngàn.

Còn trong vai người có nhu cầu mua vàng, chúng tôi cũng nhanh chóng nhận được lời chào mời từ các chân rết, đầu nậu đang hoạt động trên mạng. Những người này hứa hẹn mua bao nhiêu cũng có, không cần thông qua các cửa hàng chính thức và giá lại rẻ hơn giá đề xuất.

3 hình thức lừa đảo phổ biến cần cảnh giác

Theo cảnh báo của các chuyên gia, giao dịch vàng trực tuyến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua. Chuyên gia độc lập về thị trường vàng, ông Trần Duy Phương, đã chỉ ra ba hình thức lừa đảo chính có thể gặp phải.

Thứ nhất với những người có nhu cầu mua vàng, có những người sẽ rao bán: “Tôi có suất mua vàng”, hoặc “Tôi có 5 lượng vàng giá bán ra bằng giá của Vietcombank”, nhưng thực chất là vàng nhái, vàng giả, kém chất lượng, hóa đơn cũng có thể làm giả.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Ba Đình-thành phố Hà Nội, đồng và kẽm khi chế tác hoàn toàn có thể ra được hợp kim giống như vàng, qua cảm quan bên ngoài khó có thể nhận biết được đó là vàng giả.

Các đối tượng lừa đảo thậm chí còn chuẩn bị sẵn một số mảnh vàng thật nhỏ để khi đưa “con mồi” đi giám định, sẽ qua mắt được người tiêu dùng. Ngoài vàng giả, các đối tượng còn chuẩn bị sẵn sàng cả ngoại tệ giả để lừa đảo

Thứ hai là hai người cùng hẹn nhau lên ngân hàng để giao vàng và nhận tiền nhưng người có nhu cầu mua vàng phải đưa tiền trước, người nhận tiền sau đó sẽ tìm cách “chuồn” đi như “anh chị ngồi chờ đây, tôi đi làm thủ tục” và người mua vàng mất tiền.

Thứ ba là hình thức hai bên hẹn gặp tại một địa điểm để giao dịch. Tại đây, kẻ xấu đánh thuốc mê để cướp tiền hoặc vàng của người dân. Hiện tượng này đã xảy ra dẫn đến một số người dân mất số tiền lớn.

Chính vì vậy người dân phải vô cùng tỉnh táo, tránh giao dịch với những cá nhân, tổ chức không có chức năng kinh doanh sản phẩm vàng theo quy định của nhà nước, chỉ nên giao dịch những chỗ có giấy phép mua bán hợp pháp.

Việc cá nhân tự thỏa thuận giá giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau có thể dẫn đến nhiều rủi ro, không có hóa đơn chứng từ có thể bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Không chỉ vậy, việc tự thỏa thuận giá vàng miếng, vàng nhẫn để giao dịch sẽ có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây xáo trộn thị trường vàng và thất thu thuế cho nhà nước.

Theo nguồn : https://plo.vn/canh-bao-ve-3-hinh-thuc-lua-dao-trong-giao-dich-vang-mieng-sjc-tu-do-post804770.html